Mai Đà là tên gọi có tính lịch sử của vùng đất rộng lớn và là đơn vị hành chính có nhiều lần “khắc xuất” “khắc nhập” nhất của tỉnh Hoà Bình.
Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký Nghị định cắt đất đai có đông đồng bào Mường cư trú thuộc các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình thành lập một tỉnh mới gọi là tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc nên nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ. Vào thời điểm này, tỉnh Mường (Hòa Bình) gồm 6 châu: Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc và châu Mai.
Tên Mai Đà xuất hiện lần đầu tiên tháng 10/1890 khi châu Mai và châu Đà Bắc hợp nhất thành châu Mai Đà. Năm 1901, châu Mai Đà tách thành 02 châu là Đà Bắc và Mai Châu. Đến năm 1941, châu Đà Bắc và châu Mai Châu lại sáp nhập thành châu Mai Đà. Tháng 5/1947 châu Mai Đà được sáp nhập vào khu 14 (chủ yếu là vùng Đà Bắc). Tháng 1/1948 khu 10 và khu 14 được hợp nhất thành Liên khu 10 (sau là Liên khu Việt Bắc) và sau này là huyện Mai Đà. Ngày 21/9/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 1053-TTg chia huyện Mai Đà thành 2 huyện: Mai Châu và Đà Bắc.
Mai Đà, như vậy, là tên địa danh cũ gồm cả hai huyện Mai Châu và Đà Bắc hiện nay nằm ở hai bên bờ Nam và Bắc sông Đà. Trong kí ức của nhiều người dân Hoà Bình, dù đến 4 lần nhập lại và cuối cùng chia xa, Mai Đà vẫn là cái tên đầy thương nhớ. Chọn tên Maida, chúng tôi muốn nhắc nhớ về những năm tháng và kỷ niệm của nhiều lớp người đã tạo dựng nên mảnh đất mà chúng tôi có duyên gặp gỡ hôm nay.
Mai Đà còn có thể hiểu là ban mai bên sông Đà. Điều thú vị là trong tiếng Anh, Maida có nghĩa là một thiếu nữ xinh đẹp. Ý tưởng thiết kế, kiến trúc của khu Maida Lodge vì thế cũng mang tinh thần tươi sáng của ban mai bên sông và vẻ đẹp duyên dáng của người thiếu nữ.