Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu
(Mọi dòng sông đều chảy về phía Đông, chỉ có sông Đà chảy về hướng Bắc)
Đây là hai câu thơ của Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích (1832-1890) cách đây già một thế kỉ khi nói đến đặc điểm khác biệt của con sông Đà theo địa lí tự nhiên: mọi dòng sông đều chảy về phía Đông, chỉ có sông Đà chảy về hướng Bắc.
Trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đã mượn hai câu thơ này làm đề từ giới thiệu về sự độc đáo, ấn tượng đầu tiên và một cá tính riêng biệt của dòng sông Đà, một con sông vừa mang nội lực mãnh liệt và hung bạo, lại vừa trữ tình nên thơ.
Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, sông Đà là một công trình dày công sáng tạo của tạo hóa. Sông Đà đẹp từ dáng dấp đến màu sắc, dòng nước, tốc độ chảy. Nước sông Đà khi đến mùa xuân “dòng xanh ngọc bích”, còn với mùa thu cứ “lừ lừ chín đỏ giống như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”.
Nguyễn Tuân kể sông Đà “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân”. Bờ bãi sông Đà mênh mang, trải dài bay lượn những chuồn chuồn bươm bướm.
Con sông Đà gây nên nỗi nhớ da diết cho những ai đã từng một lần gặp gỡ rồi lại đi xa. Khi gặp lại sông Đà, nhà văn như cũng cảm thấy tâm hồn lâng lâng vui sướng như gặp lại cố nhân mà phải thốt lên: “Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
Nếu bạn có một ngày phiêu bạt trên sông Đà, thăm Maida Lodge, bạn sẽ gặp sông Đà hôm nay mênh mông mà bình yên đến lạ, một sông Đà nay đã khác và nhớ sông Đà ngày xa xưa ấy, với Nguyễn Tuân.